Sau một tuần vui vẻ bước vào tiểu học, từ tuần thứ hai, bé Voi bắt đầu nói không thích đi học rồi cứ sáng ra là kêu đau bụng, chóng mặt.

Gần hai tuần nay, chị Bình (Hoài Đức, Hà Nội) lo lắng vì cậu con trai mới vào lớp 1 đã tỏ ra sợ học và có triệu chứng hay đau bụng. Từ đầu tháng 7, bé Voi được gọi nhập học và nhận giáo viên chủ nhiệm rồi bắt đầu mỗi tuần 5 buổi đi học như chính khóa. “Trước đây mình gửi con ở trường tư thục, lớp chỉ 20 bạn, giờ lên tiểu học, cháu vào trường công, lớp hơn 50 bé nên chắc con không quen. Hơn nữa, cháu còn bị cô giáo lớp một phê bình vì không tập trung khi viết bài và hay đi lại trong giờ học nên sợ”, chị Bình nói.

Chị cho biết, cứ buổi sáng chuẩn bị đi học Voi lại kêu đau bụng, còn chỉ rõ là ở vùng quanh rốn, rồi ngồi lỳ trong nhà vệ sinh cả nửa tiếng, có khi muộn giờ đến trường. Tình trạng này kéo dài suốt tuần nên chị Bình sốt ruột, đưa con đi khám ở vài nơi, cả xét nghiệm nước tiểu, siêu âm và chỗ nào cũng kết luận sức khỏe cháu bình thường.

“Mình không biết phải làm sao với con nữa. Cháu đã nghỉ học vài ngày nay nhưng không thể nghỉ suốt được”, chị Bình nói.

be-tap-viet-5245-1407149382.jpg

Tập viết luôn là nhiệm vụ khó khăn với các bé mới vào lớp 1.

Chị Nhung, kế toán một công ty thiết bị vệ sinh ở Cầu Giấy, Hà Nội, cũng gặp chuyện tương tự với cô con gái vừa vào tiểu học. Vì không muốn tạo áp lực học hành với con gái nên khi bé học lớp mẫu giáo lớn, chị không cho con đi luyện chữ như nhiều phụ huynh khác mà để con được tự do vui chơi, sáng tạo với màu vẽ, tranh, truyện… Kết thúc mầm non, con gái chị vào học lớp 1 tại trường mới từ giữa tháng 7 với tâm trạng háo hức. Nhưng được vài buổi, bé bắt đầu đòi nghỉ và khóc lóc khi đến lớp. “Con bé thậm chí còn không thể ăn sáng và nôn khi sắp đến giờ đi học”, chị Nhung kể.

Tìm hiểu nguyên do, chị Nhung biết cô giáo lớp 1 đã mắng và cốc đầu con. Chị gặp cô giáo hỏi chuyện, được cô cho biết con chị viết quá chậm so với các bạn trong lớp, nhiều khi còn không viết bài nên cô phải nhắc nhở nghiêm khắc. Chị Nhung nhờ cô nhẹ nhàng động viên con, không dọa hay mắng, có vấn đề gì có thể trao đổi với bố mẹ để rèn thêm trẻ ở nhà. Từ hôm sau, mỗi lần con đi học về, chị thấy bé vui vẻ hơn, chịu khó tập viết buổi tối cùng mẹ, nhưng mỗi sáng thì vẫn mè nheo, không chịu ăn và ậm ọe nôn.

“Mình tính xin chuyển lớp cho con, nhưng thấy như vậy cũng không hay. Thực tế, cô giáo của con tuy có hơi nghiêm khắc nhưng dạy tốt và không phải người xấu, chuyển sang cô giáo khác không biết có tốt hơn không”, chị Nhung chia sẻ.

Theo thạc sĩ Quách Thúy Minh, nguyên trưởng khoa tâm bệnh Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ stress, lo âu khi thay đổi môi trường, đặc biệt với trẻ bắt đầu vào tiểu học không phải là hiện tượng hiếm gặp. Một số trẻ còn kèm theo các triệu chứng bệnh về thực thể như đau bụng, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, đau đầu… Có trẻ không thực sự có triệu trứng bệnh này nhưng có thể lấy các cớ này để trốn tránh việc phải đến trường.

Bà Minh khuyên, bố mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân khiến con lo lắng, sợ đến trường. Đó có thể là trẻ nhận thức kém không theo kịp các bạn; trẻ khó thích nghi với môi trường mới do có điều kiện ăn ở, chăm sóc quá khác biệt trường mầm non; trẻ bị bạn bắt nạt hay bị cô giáo mắng, đánh, tạo sức ép… Khi tìm được nguyên do chính xác rồi phụ huynh mới có thể tìm được cách khắc phục phù hợp.

Theo bác sĩ Thúy Minh, bố mẹ tuyệt đối không tạo sức ép cho trẻ, đồng thời có thể góp ý để giáo viên biết tình trạng của con từ đó cố gắng động viên con nhiều hơn, giúp con dần làm quen với môi trường mới. Bạn cũng có thể nhờ giáo viên tạo điều kiện để con ngồi gần, chơi cùng các bạn có tính cách vui vẻ, hòa đồng trong lớp để trẻ nhanh chóng tìm được niềm vui kết bạn khi đến trường.

Bác sĩ cho rằng, cha mẹ không nên thể hiện thái độ quá sốt sắng hay bị chi phối khi trẻ kêu mệt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn hoặc có các triệu chứng này. Vì khi đó, trẻ có thể càng cố tình tỏ ra trầm trọng hơn và viện vào cớ đó để nghỉ học, hay không làm những việc chúng không thích. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, dù bố mẹ đã thực hiện các cách khắc phục, đồng thời trẻ có biểu hiện lo âu, sợ hãi tăng lên hoặc mệt mỏi, sút cân thì phụ huynh cần đưa con đi khám để loại trừ các bệnh lý.

Theo thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội), hầu như trẻ nào khi vào lớp 1 cũng gặp khó khăn nhất định, có trẻ chỉ thoáng qua nhưng một số khác lại gặp khó thực sự và nếu không được sự giúp đỡ của người lớn thì sẽ vướng mắc mãi. Trung tâm NT thường xuyên tiếp nhận các trường hợp như vậy.

Các phụ huynh có con rơi vào hoàn cảnh này, việc đầu tiên là phải tìm được vấn đề cụ thể của con xem trẻ không tập trung được, bị dọa dẫm hay có khó khăn gì. Trẻ vướng chỗ nào thì bố mẹ cần giúp chỗ đó.

Việc đối phó với các hành động kiểu “chống đối” của trẻ cũng cần linh hoạt. Chẳng hạn, với trẻ không chịu ăn sáng, sáng ra là kêu mệt, đau bụng, buồn nôn… có thể điều chỉnh bằng cách thay người cho ăn (nếu bé thích nhõng nhẽo mẹ thì để bố cho ăn) hoặc thay vì cho con ăn ở nhà thì tới lớp, ra quán… để người khác dẫn con đi học… Đồng thời, bố mẹ cần xác định rằng, hiện tượng này không thể chấm dứt ngày một ngày hai nên cần kiên trì để giúp con dần xóa bỏ các “phản xạ” sợ đến lớp.

Ngoài ra, phụ huynh vẫn cần cho con đi học đều nhưng có thể đề nghị giáo viên tránh dùng những biện pháp gây căng thẳng và lo sợ cho trẻ như hù dọa, đánh phạt khi bé không hoàn thành kế hoạch học tập ở lớp, đồng thời kèm thêm con ở nhà. Khi dạy con, bố mẹ cần lựa theo ý thích của bé chứ không theo kiểu bắt ép, nhồi nhét. Chẳng hạn, thay vì ép con phải viết đủ 2-3 trang giấy cùng một chữ, có thể tạo trò chơi hai mẹ con viết thi xem ai viết đẹp hơn, chọn chữ nào đẹp nhất, hay thay đổi bằng hoạt động vẽ, tô màu… để bé đỡ chán viết mà vẫn rèn tay khéo. Với học toán, thay vì bắt con phải làm các phép tính với que tính nhàm chán như trên lớp, có thể dạy thông qua các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày như để bé đếm, lấy bát, đũa mỗi bữa cơm, đếm bậc cầu thang siêu thị, làm phép trừ số táo đã ăn (nếu trẻ thích táo), số kẹo có được khi được cho thêm…

“Những điều đơn giản này tạo bước đệm giúp cho việc học của trẻ ở trên lớp tốt hơn. Nếu ở trên lớp trẻ phải chịu sức ép, ở nhà lại bị nhồi nhét, bé sẽ càng mệt và chán học hơn”, ông Chuẩn nói.

Theo nhà tâm lý giáo dục, tốt nhất cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ làm quen với môi trường tiểu học từ khi bé còn học mầm non bằng cách rèn cho con khéo tay, ngồi yên trong một khoảng thời gian nhất định và biết tuân theo một số quy tắc cần thiết khi ở nhà…

Bài Viết Liên Quan